Trang thông tin điện tử xã Thạch Kimhttps://thachkim.locha.hatinh.gov.vn/uploads/banner-xa-thach-kim.jpg
Thứ hai - 11/11/2024 22:33
Trong lĩnh vực kinh tế
Trong những năm qua, thế mạnh kinh tế biển được cấp ủy, chính quyền xã hết sức quan tâm, từng bước khẳng định vị trí, vai trò trong cơ cấu kinh tế của xã. Thương hiệu và thị trường các sản phẩm đánh bắt, chế biến của Thạch Kim ngày càng được mở rộng, được nhiều người biết đến. Cơ cấu nghề nghiệp đang dần thay đổi theo hướng phát triển mạnh dịch vụ gắn với sản xuất, chế biến các sản phẩm thủy sản. Nhiều mô hình, tổ hợp, hợp tác xã hình thành và phát triển vững chắc. Năng lực khai thác, sản xuất, chế biến, tiếp cận thị trường ngày càng được cải thiện. Tình hình kinh tế - xã hội của xã có những chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể so với trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm giai đoạn 2010 - 2015 đạt bình quân 12%/năm, bình quân thu nhập đầu người đạt năm 2015 đạt 28,97 triệu đồng/người/năm; giai đoạn 2015 - 2020, tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 13,5%, bình quân thu nhập đầu người đạt 38 triệu đồng/người/năm; năm 2025, tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 12,5%, bình quân thu nhập đầu người đạt gần 48 triệu đồng/người/năm. Xã tập trung mọi nguồn lực tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế theo hướng tăng cường đánh bắt, chế biến thủy sản; phát triển thương mại, dịch vụ, xuất khẩu lao động. Hình thành cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thủy sản, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Theo đó, xã chú trọng phát triển kinh tế vùng Cửa Sót theo hướng trở thành cảng thương mại. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng Chợ cá và khu vực dịch vụ thủy sản đầu mối. Đẩy mạnh phát triển các mô hình tổ hợp sản xuất, đảm bảo phát triển mạnh trên cả hai lĩnh vực: khai thác và chế biến. Tổng sản lượng khai thác thủy sản từ 2010 - 2015 là 9.421 tấn, giá trị 245,9 tỷ đồng; từ 2015 - 2020 là 10.319 tấn, giá trị 360,6 tỷ đồng; Riêng 6 tháng đầu năm 2024 đạt 971 tấn, giá trị 67,5 tỷ, đạt 67,5% kế hoạch đề ra. Thực hiện chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về việc hỗ trợ tàu thuyền có công suất từ 400CVtrở lên (nếu đăng ký trước ngày 31/8/2015 mức 200 triệu đồng/tàu, trích từ ngân sách huyện). Đến năm 2015, từ nguồn hỗ trợ của tỉnh, huyện và xã với tổng số tiền 1.013 triệu đồng (trong đó, tỉnh hỗ trợ 959,5 triệu, huyện hỗ trợ 50 triệu, xã 3,5 triệu)đóng mới 5 phương tiện đánh bắt thủy sản có công suất từ 90CV - 430CV (trong đó có 01 tàu có công suất 420CV) và đóng mới 01 tàu vỏ sắt có công suất 400CV. Đồng thời, xã thực hiện chính sách khuyến ngư, khuyến khích các tổ chức, cá nhân cải hoán, đóng mới, trang bị ngư cụ đảm bảo khai thác vùng khơi. Tổng số tàu thuyền đánh bắt thủy có 102 cái, tổng công suất 6.268CV. Trong hai năm 2016 - 2017, sự cố môi trường biển đã có ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội của xã nhà. Là một sự cố chưa có tiền lệ, nên gây lúng túng cho cấp uỷ, chính quyền các cấp, cá biệt có một số người dân bức xúc, cản trở hoạt động của chính quyền. Mặc dù vậy, nhờ làm tốt công tác nắm bắt thông tin, làm tốt công tác dân vận, với sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, công tác chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ Đảng, điều hành linh hoạt của chính quyền nên Đảng bộ và nhân dân xã nhà đã khắc phục mọi khó khăn, từng bước ổn định tư tưởng và đời sống của nhân dân. Đảng bộ xã tập trung chỉ đạo và hoàn thành công tác kê khai, bồi thường cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do ảnh hưởng theo quy định. Từng bước giải quyết khó khăn trước mắt về hỗ trợ vốn chocác cơ sở đông lạnh do không tiêu thụ được hải sản nhưng phải trả lãi ngân hàng. Do đó, ngành đánh bắt thủy sản từng bước được phục hồi và phát triển mạnh mẽ trở lại. Nhất là khi Ủy ban nhân dân xã ban hành Quyết định số 41/2019/QĐ-UBND hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, làm mới chà rạo, vận động các chủ tàu đầu tư từ 2 - 3 loại nghề trên một phương tiện để ngư dân nâng cao sản lượng; đồng thời, thành lập Nghiệp đoàn nghề cá nhằm hỗ trợ nhau trong khai thác, đánh bắt thủy sản, cứu hộ cứu nạn trên biển. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để trang bị các máy móc, phương tiện hỗ trợ đánh bắt, khai thác trên tàu ngày càng được ngư dân chú trọng.Năm 2020, đóng mới 1 tàu cá có công suất trên 90CV, nâng cấp cải hoán 10 phương tiện, chuyển đổi cho 3 phương tiện từ dạ câu sang vó ánh sáng, hỗ trợ cho 20 phương tiện làm chà rạo. Đến năm 2023, tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt 1.745 tấn. Các phương tiện đánh bắt được neo đậu, tránh trú thiên tai, trung chuyển hải sản sau đánh bắt về cảng. Hoạt động thương mại, dịch vụphát triển nhanh, làm thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương và tăng thu nhập cho người dân. Đến năm 2015, toàn xã đã có 15 kho cấp đông, sức chứa 1.700 tấn, giá trị đầu tư mới trong 5 năm là 9,5 tỷ đồng; sản lượng thủy sản đông lạnh năm 2015 là hơn 8.000 tấn, giá trị chế biến và kinh doanh hơn 120 tỷ đồng; sản lượng chế biến nước mắm 350 ngàn lít, ruốc 450 tấn, giá trị các sản phẩm nước mắm, ruốc là 17,6 tỷ đồng. Đến năm 2020, xã có 28 kho cấp đông với sức chứa trên 3.000 tấn sản phẩm; sản lượng thủy sản đông lạnh năm 2019 là 1.500 tấn, giá trị kinh doanh 68 tỷ đồng; sản lượng nước mắm 350 ngàn lít, ruốc 800 tấn, giá trị các sản phẩm nước mắm, ruốc là 26 tỷ đồng. Đến năm 2020, toàn xã đã có 57 mô hình kinh doanh, trong đó 20 mô hình lớn, 21 mô hình vừa, 16 mô hình nhỏ, 5 tổ thợ nề, 5 cơ sở mộc dân dụng, trên 600 hộ kinh doanh cá thể, hàng chục cơ sở dịch vụ văn hóa, nhà hàng, sửa chữa điện, xe máy, điện tử, may mặc, buôn bán vật liệu xây dựng, hậu cần nghề cá, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Xuất khẩu lao động là một thế mạnh của địa phương, góp phần giải quyết lực lượng lớn lao động và tăng thu nhập cho người dân. Năm 2010, xã có 447 con em đi xuất khẩu lao động; năm2015, tăng lên 900 lao động; năm 2020 có trên 1.300 lao động; riêng năm 2023 có thêm 80 người đilàm việc và học tập tại các nước trên thế giới. Nguồn thu từ xuất khẩu lao động hàng năm tăng, riêng năm 2019 là 144 tỷ đồng, chiếm 33,6% tổng thu nhập toàn xã. Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp được chú trọng. Năm 2011, cụm tiểu thủ công nghiệp chế biến hải sản Thạch Kim được khởi công xây dựng, ngành chế biến hải sản của xã phát triển với quy mô lớn hơn, nhất làchế biến thủy, hải sản xuất khẩu. Hoạt động của các nhà đầu tư tại Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thạch Kim được duy trì, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 86%1. Làng nghề truyền thống nướng cá hoạt động hiệu quả. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, Thạch Kim huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho tỉnh đầu tư xây dựng khu tiểu thủ công nghiệp phía Bắc thôn Long Hải, đường Tỉnh lộ 9, hệ thống cấp nước sạch. Nhiệm kỳ 2010 - 2015, tổng giá trị đầu tư 139 tỷ đồng (trong đó nhân dân và con em xa quê đóng góp 72 tỷ đồng). Nhiệm kỳ 2015 - 2020, tổng giá trị đầu tư xây dựng cơ bản trên 200 tỷ đồng (trong đó, nhân dân đóng góp gần 10 tỷ đồng, ngân sách xã 20 tỷ đồng, còn lại là nguồn tỉnh, huyện hỗ trợ). Kết cấu hạ tầng đã góp phần thay đổi diện mạo quê hương ngày càng khang trang, sạch đẹp. Hoạt động thu, chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, thực hiện đúng kế hoạch Hội đồng nhân dân xã đề ra, cơ bản đảm bảo cân đối ngân sách hàng năm, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế, an sinh xã hội, Quốc phòng, An ninh và các hoạt động khác trên địa bàn. Một trong những nỗ lực lớn của Thạch Kim giai đoạn này là việc tập trung phòng chống dịch bệnh phát sinh trên địa bàn. Ngày 05/6/2021, sau khi các ca bệnh Covid - 19 xuất hiện tại bãi biển Lộc Hà, Ban Chỉ đạo phòng, chống chống dịch bệnh Covid-19 xã đã thành lập 70 tổ Covid cộng đồng, trưng dụng 76 phòng học của 3 trường làm khu cách ly của xã; truy vết các F1, F2 có liên quan; phối hợp với trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) tổ chức 02 đợt xét nghiệm, với hơn 3750 lượt người trên địa bàn. Đặc biệt, đợt 1 (ngày 12/6/2021 đến ngày 26/6/2021) toàn bộ xã Thạch Kim và một phần thị trấn Lộc Hà bị phong toả; đợt 2 (từ ngày 1 đến ngày 07/01/2022), xã Thạch Kim tiếp tục phong toả theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Quá trình phong toả nhân dân xã Thạch Kim nhận được sự chung tay, góp sức, góp của của lãnh đạo, các ban ngành đoàn thể cấp huyện (trong đó phải kể đến vai trò của mặt trận các cấp, các đơn vị xã, thị trấn không bị ảnh hưởng), con em xa quê sinh sống và làm việc trong và ngoài nước, hội đồng hương Thạch Kim tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trên cả nước[1]. Với sự vào cuộc quyết liệt, có hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân xã nhà trong chấp hành công tác tiêm chủng được triển khai an toàn, tỷ lệ cao của nhân dân, sự ủng hộ nhiệt tình, kịp thời và có hiệu quả của các tổ chức, cá nhân, địa phương, đơn vị trong và ngoài huyện, cho nên tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát. Tuy nhiên, do Covid-19 là Đại dịch nên ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nền kinh tế nói chung, giá trị thương mại, kinh doanh, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, chế biến và xuất khẩu lao động nói riêng của nhân dân cả nước và của xã Thạch Kim. Công tác bảo vệ môi trường tiếp tục được quan tâm, nhất là môi trường biển.Phong trào toàn dân ra quân làm vệ sinh môi trường vào ngày 18 hàng tháng được duy trì đều đặn. Bãi xử lý chất thải rắn huyện được hoạt động. Xã mở chiến dịch thu gom, vận chuyển rác thải về bãi chôn lấp tập trung tại xã Hồng Lộc. Cuối năm 2014, xã đã chuyển đổi, di dời thành công bãi rác ra khỏi vùng lân cận dân cư, chấm dứt tỉnh trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, cụm công nghiệp và môi trường khu du lịch biển. Năm 2016, nghĩa trang xã đóng cửa, kết thúc việc hung táng đối với người qua đời tại nghĩa trang cũ, người chết được an táng tại nghĩa trang của huyện đóng tại xã Thịnh Lộc. Có thể thấy, giai đoạn 2010 - 2024, nền kinh tế Thạch Kim có bước tăng trưởng nhanh chóng, đời sống đại bộ phận nhân dân được cải thiện rõ rệt. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các ngành có tiềm năng, lợi thế tiếp tục phát triển đi lên. Nhờ chủ trương đúng đắn, sáng tạo và sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, nền kinh tế Thạch Kim không ngừng tăng trưởng, phát triển toàn diện.
1 Trong đó, khu cấp đông 29%, khu kho đông - dịch vụ 4,4%, khu chế biến ruốc nước mắm 20%, khu sân phơi ruốc 23,6%, khu nướng cá 2,6%, bến xe cá 6,4%. Hàng năm, Cụm công nghiệp Thạch Kim giải quyết việc làm cho gần 850 lao động tại địa phương với doanh thu hơn 250 tỷ đồng/năm, đóng góp vào cơ cấu kinh tế của huyện và tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế địa phương.
[1] UBMTTQ ra lời kêu gọi nhân dân con em xa quê, các nhà hảo tâm tham gia quyên góp tiền, nhu yếu phẩm, phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh tổng gia trị 425 triệu tiền mặt, tiếp nhận trên 18 tấn gạo, 10 tấn rau củ quả; hàng trăm hộp khẩu trang y tế và một số nhu yếu phẩm khác đã phối hợp tổ chức phân phát hỗ trợ kịp thời đến nhân dân trên toàn xã trong thời gian xã nhà bị phong tỏa, sự quan tâm đặc biệt đến gia đình hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó vận động các hội thiện nguyện nấu cơm, cháo phục vụ khu cách ly của xã 2 đợt được 1552 suất, phối hợp với các đoàn thể vận động quyên góp mua 380 kg cá khô, ruốc khô và 30 triệu đồng tiền mặt gửi vào hỗ trợ nhân dân các tỉnh phía Nam theo lời kêu gọi của UBMTTQ tỉnh.
Nguồn tin: Tác giả biên soạn - Nguyễn Thị Minh Giang thuộc Công ty cổ phần hợp tác xuất bản - Truyền thông Quốc gia: