(LSVN) - Một trong những đặc điểm cơ bản của nhà nước là ban hành ra pháp luật, đề ra các quy tắc xử sự chung để xây dựng và duy trì trật tự xã hội, đảm bảo cho mọi hoạt động trong đời sống xã hội diễn ra trong vòng trật tự, ổn định và phát triển. Pháp luật là cơ sở đánh giá tính hợp pháp, hợp lý trong hành vi của con người; là cơ sở để ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân. Để pháp luật được thực thi một cách hiệu quả thì các văn bản quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành phải được tuyên truyền, phổ biến đến người dân, các tổ chức, cá nhân để các chủ thể tham gia các quan hệ pháp luật nắm bắt được nội dung của các quy phạm pháp luật, để thực hiện pháp luật.
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đóng vai trò quan trọng.
Quy trình ra đời, tồn tại và phát triển của pháp luật là: xây dựng chính sách - thể chế hóa thành pháp luật - tổ chức thực hiện chính sách và pháp luật - tổng kết thực tiễn - bổ sung chính sách - sửa đổi pháp luật - tổ chức thực hiện chính sách và pháp luật.
Trong chu trình khép kín, liên tục như vậy thì tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật là một hình thức thực hiện chính sách, đồng thời cũng là hình thức thực hiện pháp luật để chuyển tải nội dung pháp luật đến với các chủ thể trong đời sống xã hội. Pháp luật sẽ không có ý nghĩa nếu như các chủ thể thực hiện nó không nhận thức được về nó.
Khi pháp luật được ban hành thì công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là rất quan trọng để người dân nắm được các quy định của pháp luật, hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình trong các mối quan hệ pháp luật, có thể sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình, hiểu biết pháp luật cũng đều tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật, là cơ sở để cơ quan chức năng áp dụng pháp luật để giải quyết các mối quan hệ dân sự, lao động, hành chính, kinh doanh thương mại, hình sự,... phát sinh.
Thực tiễn quá trình hành nghề Luật sư những năm qua tôi thấy rằng, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ở các địa phương đã thực hiện tương đối tốt, hiểu biết, nhận thức pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao, đặc biệt là các khu vực thành thị. Nhiều người dân đã biết sử dụng pháp luật để đòi hỏi các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình, hiểu biết pháp luật khiến việc chấp hành pháp luật diễn ra tốt hơn và việc áp dụng pháp luật của cơ quan chức năng cũng thuận lợi hơn nhiều.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khác nhau khiến mức độ hiểu biết, nhận thức pháp luật của người dân nói chung đến nay vẫn còn hạn chế, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa,... do thiếu hiểu biết pháp luật nên quyền lợi của người dân đôi khi bị xâm hại, nhiều trường hợp cán bộ, công chức nhà nước thực thi công vụ không đúng pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân nhưng người dân vẫn không biết và không biết sử dụng pháp luật để đòi hỏi, yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật bảo vệ quyền lợi cho mình. Hạn chế nhận thức pháp luật khiến cho nhiều người không biết đâu là đúng, đâu là sai, đòi hỏi, đưa ra những yêu cầu không có căn cứ pháp lý, hoặc gây ra những tranh chấp, khiếu kiện không cần thiết. Hạn chế nhận thức pháp luật cũng gây khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc áp dụng pháp luật như không chấp hành, có những hành vi chống đối, cản trở người thi hành công vụ, thậm chí chống người thi hành công vụ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Rất nhiều vụ tranh chấp về dân sự, đặc biệt là tranh chấp về đất đai phát sinh trong đời sống xã hội dẫn đến các mối quan hệ hàng xóm, láng giềng bị rạn nứt, anh em, chị em, bố mẹ với các con bị ảnh hưởng, thậm chí đối đầu, những vụ án mạng xảy ra do lòng tham, sự ích kỷ và thiếu hiểu biết pháp luật. Chúng tôi đã tham gia những vụ án tranh chấp dân sự rất căng thẳng giữa các đường sự như vụ việc ở Nam định, Thái Bình, Hà Giang và nhiều tỉnh thành khác. Có những vụ tranh chấp dân sự suýt chút nữa là án mạng xảy ra. Vụ án ở Nam định tranh chấp đất đai giữa hai anh em, án mạng đã xảy ra, khiến huynh đệ tương tàn chỉ vì đương sự thiếu hiểu biết pháp luật, không biết quyền lợi của mình đến đâu nên cho rằng quyền lợi của mình bị xâm hại dẫn đến mâu thuẫn, căng thẳng, trở thành những vụ án hình sự,...
Nhiều vụ tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình diễn ra do các đương sự thiếu hiểu biết pháp luật, không hiểu quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình được pháp luật quy định như thế nào, không hiểu trình tự thủ tục giải quyết như thế nào dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh, kéo dài ảnh hưởng đến hạnh phúc, đời sống, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Nhiều vụ án chống người thi hành công vụ chỉ vì người dân thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kiểm chế cảm xúc, cho rằng quyền lợi của mình bị xâm hại nhưng không biết cách giải quyết như thế nào cho đúng pháp luật dẫn đến có những hành vi phản ứng phải chống trả lại lực lượng chức năng khiến bản thân rơi vào vòng lao lý, đó là những vụ việc rất đau lòng chỉ vì người dân thiếu hiểu biết pháp luật, do công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa hiệu quả.
Ở các thành phố lớn thì công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật diễn ra tốt hơn, người dân có nhận thức cao hơn về pháp luật. Đồng thời, ở các thành phố, thị xã, trung tâm văn hóa thì còn có các tổ chức hành nghề Luật sư, đang dần dần hình thành thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý dẫn đến những vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, xung đột liên quan đến pháp lý thì người dân đã biết cách tìm đến Luật sư để được tư vấn, nâng cao hiểu biết pháp luật cũng như tuân thủ pháp luật, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nên an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo hơn, quyền và lễ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được đảm bảo hơn, công tác giải quyết các tranh chấp, giải quyết các vụ án hình sự cũng diễn ra thuận lợi hơn.
Thực tiễn tham gia các vụ án hình sự ở các địa phương, đặc biệt là vùng miền núi thì Luật sư thường được các Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán tâm sự là người dân nhận thức kém, thậm chí không biết chữ, thiếu hiểu biết pháp luật nên những người tiến hành tố tụng giải thích họ không hiểu hoặc không tin. Khi có Luật sư giải thích thì họ sẽ tin tưởng và chấp hành hơn. Điều này cho thấy công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa là rất quan trọng và cần thiết.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có thể kể đến như:
- Lực lượng cán bộ chuyên trách về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ở các địa phương còn mỏng, chưa được trang bị kịp thời thường xuyên kiến thức pháp luật, phương tiện vật chất để đảm bảo công tác tuyên truyền hiệu quả;
- Nhiều địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức đối với công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, nhiều trường hợp thực hiện việc tuyên truyền mang tính chất hình thức, lấy lệ nên hiệu quả không cao;
- Hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chưa đa dạng, còn máy móc, giáo điều, chưa sử dụng có hiệu quả các phương tiện công nghệ thông tin, các thiết bị hiện đại để tuyên truyền nên hiệu quả chưa cao;
- Nhiều địa phương chưa quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên truyền viên có kiến thức, kinh nghiệm, có kỹ năng tốt, chưa đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho lực lượng này khiến cho dù người hoạt động trong lĩnh vực tuyên truyền pháp luật không có đam mê, hứng thú, không có động lực cũng như trách nhiệm không cao trong việc thực hiện nhiệm vụ;
- Nhiều địa phương chưa huy động tối đa các nguồn lực để tham gia tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là huy động lực lượng là Luật sư, luật gia, những người hiểu biết pháp luật tham gia cùng với cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả;
- Đặc điểm văn hóa của người phương Đông là coi nặng vấn đề tình cảm, coi nhẹ vấn đề về lý nên trong đời sống xã hội, nhiều người không quan tâm đến pháp luật, thở với pháp luật, luôn lấy tình cảm để giải quyết hay cho pháp luật;
- Đặc điểm lịch sử Việt Nam có ngàn năm Bắc thuộc, lại trải qua quá trình chiến tranh kéo dài nên việc xây dựng pháp luật bị gián đoạn, có nhiều thời điểm chưa được quan tâm kịp thời. Bị ảnh hưởng của văn hóa phong kiến, thực dân nên tư duy "phép vua thua lệ làng", dùng "lệ làng" để chống lại "phép vua" - pháp luật là hiện tượng kéo dài dẫn đến tình trạng người dân thờ ơ với pháp luật, thậm chí khinh nhờn pháp luật vẫn diễn ra nên việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật sẽ có những khó khăn nhất định,...
Bởi vậy, để người dân hiểu biết pháp luật, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hiểu biết pháp luật để sử dụng pháp luật làm công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể, xây dựng văn hóa pháp lý trong đời sống xã hội, lấy pháp luật làm thước đo cho tính hợp pháp và văn minh của hành vi con người thì công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật là rất quan trọng. Khi hệ thống pháp luật đồng bộ, khoa học, tiến bộ, có tính khả thi và các quy định pháp luật được chuyển tải đến mọi chủ thể trong đời sống xã hội, người dân hiểu biết, chấp hành pháp luật thì xã hội sẽ văn minh hơn, phát triển hơn, tiến bộ hơn, việc quản lý xã hội sẽ dễ dàng hơn nhiều. Bởi vậy công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một nhiệm vụ quan trọng của bất kỳ quốc gia nào.Trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội, cải cách tư pháp tại Việt Nam hiện nay thì công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật lại càng quan trọng. Để đạt hiệu quả trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thì cần thực hiện đồng bộ, đầy đủ các giải pháp, trong đó có thể nhắc đến các giải pháp như sau:
- Cần kiện toàn, hoàn thiện đội ngũ cán bộ, cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật từ trung ương đến địa phương;
- Cần đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện về kinh tế cho các cán bộ làm công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ và trách nhiệm của cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật;
- Gắn trách nhiệm đối với từng địa phương trong việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đưa ra các tiêu chí để đánh giá tính hiệu quả trong công tác truyền tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật từ đó xem xét việc thực hiện nhiệm vụ của các cán bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật;
- Huy động lực lượng Luật sư, luật ra tham gia đóng góp cho việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ở các địa phương góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân;
- Đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật như qua các ấn phẩm sách, báo, phim, ảnh, qua hệ thống phát thanh, truyền hình, qua hội họp, hội thảo, qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp, khiếu kiện,...
- Vận dụng khoa học kĩ thuật, công nghệ trong việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó có thể sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử, trí tuệ nhân tạo vào công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để các quy định pháp luật có thể được pháp điện hóa, thống kê, phân loại, tổng hợp, người dân dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ vận dụng phải sử dụng;
- Phát triển mạnh mẽ các lực lượng bổ trợ tư pháp, phát triển đội ngũ Luật sư về số lượng, chất lượng, phân bố đều phải rộng khắp ở các địa phương để kịp thời hỗ trợ, tư vấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân và giúp người dân sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Một xã hội chỉ văn minh, tiến bộ khi hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, khoa học, có tính khả thi và người dân hiểu biết pháp luật, tuân thủ pháp luật, biết sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Một xã hội văn minh là con người lấy pháp luật làm thước đo cho hành vi của mình, chuẩn mực pháp luật cũng sẽ là chuẩn mực đạo đức xã hội, trở thành nét văn hóa trong ứng xử, đời sống xã hội.
Nguồn tin: Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn