QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN VÙNG ĐẤT THẠCH KIM

Thứ hai - 11/11/2024 05:08
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN VÙNG ĐẤT THẠCH KIM
1. Đặc điểm địa lý và tự nhiên
Thạch Kim nằm về phía Đông Bắc huyện Thạch Hà, phía Đông Nam huyện Lộc Hà. Vị trí ở tọa độ 106°07’15” kinh Đông, và 18°16’ vĩ Bắc. Phía Nam giáp cửa Sót, phía Tây và phía Bắc giáp xã Thạch Bằng (ngày nay là thị trấn Lộc Hà). Phía Đông và phía Nam được bao bọc bởi ven bờ biển và sông Cửa Sót, thuận tiện cho tàu thuyền ra vào cửa lạch để khai thác, đánh bắt cũng như nuôi trồng thủy sản.
Là vùng đất giáp biển nên lượng nhiệt bức xạ trung bình là 24,10C (tháng cao nhất 35 - 38oC, tháng thấp nhất từ 8 - 10oC). Độ ẩm trong không khí trung bình 85%. Lượng mưa bình quân 2.500 - 3.000 mm/năm. Thạch Kim chịu ảnh hưởng bởi gió mùa Đông Bắc (từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau) mang theo không khí ẩm ướt, mưa phùn và rét.
Theo số liệu thống kê năm 2024, xã Thạch Kim có tổng diện tích đất tự nhiên 160 ha, gồm đất ở, đất ven sông, ven biển.
Vùng đất ven biển được hình thành do sự gặp gỡ, lắng đọng giữa đất liền và biển.
2. Khái quát quá trình hình thành và thay đổi địa lý hành chính
Lịch sử xã Kim Đôi, theo lời các cụ xưa kể lại, thì buổi đầu, một số dân ở vùng Miệu Càn (giữa hai xã Thạch Châu, Mai Phụ bây giờ) và một số nơi hác đến dựng lều lán trên bãi cát, làm ăn ven biển, ven sông, lập lên một xóm, gọi là trang Mom hay trang Sót, về sau lấy tên là trang Ngọc Tích. “Trải xem phong cảnh làng ta - Xưa là Ngọc Tích, sau là Kim Đôi...”. Tên Ngọc Tích chỉ mới thấy nói đến trong câu mở đầu bài ca “Phong thổ Kim Đôi" của nhà nho Nguyễn Phi Tạo trên đây. Còn tên Kim Đôi, (cùng Mai Phụ, Vĩnh Tuy) thì đã thấy chép trong văn bản của triều đình giao cho ba xã cùng trông nom, thờ phụng ở đền Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi, vào năm Tân T, niên hiệu Dương Hòa thứ 7 đời Lê Thần Tông (1641).
Cách ngày nay trên 200 năm, sông Cửa Sót còn đi qua các xã Hoa Mộc, Dương Luật (Thạch Bàn, Thạch Đỉnh, Thạch Hải bấy giờ) thì bãi cát Kim Đôi còn liền với núi Long Ngâm (Nam Giới). Đường quan hạ đạo từ xã Kim Đôi sang núi Long Ngâm rồi qua đò phía trên cửa bể đến Dương Luật mà đi về phía Nam. Sách “Thiên Lộc huyện chí” viết: Bên hữu cửa bể là núi đất Kim Đôi. Một dải cát vàng từ núi Côn Bằng chạy ngang ra cửa bể. Trên khúc sông ấy, có đồn binh, có chợ, thuyền bè san sát, bếp thuyền bốc khói tỏa mờ mặt sông. Chiều hôm mặt trời vừa xuống khỏi núi đng tây, mặt sông đèn lửa đều nổi lên lập lòe. Chập tối, thuyền đánh cá dong buồm về bến. Nhìn quang cảnh ấy, kẻ có tâm hồn thường dễ ứng hp, trong lòng cảm thấy thư thái...”. Vua Lê Thánh Tông (1460- 1497), qua đây làm bài thơ có câu (TKĐ dịch):
“Chiều qua tỉnh mộng giang hồ
Cưỡi bè những muốn lên xô cửa trời... ”
Từ đời Lê đến đầu đời Nguyễn, xã Kim Đôi thuộc tổng Canh Hoạch, huyện Thiên (Can) Lộc, đến năm Khải Định thứ 6 (1921), tổng Canh Hoạch mới chuyển về huyện Thạch Hà. Trước tháng 8/1945, xã có ba giáp: giáp Thượng, giáp Hạ và giáp Tiên.
Phía trong Kim Đôi xưa có thôn Xuân Độ Đoài, năm Giáp Tý, Tự Đức thứ 17 (1864) đổi là Xuân Mậu, đến năm Mậu Tuất, Thành Thái thứ 10 (1898) lại đổi là Phú Nghĩa. Ở đây, có hai họ Thiên Chúa giáo Trung Nghĩa và Trung Cự, thuộc giáo xứ Kẻ Nhim (Yên Nhiên). Năm 1875, lập giáo xứ Trung Nghĩa, hai họ giáo này tách ra thành phường Trung Nghĩa và thôn Trung Cự, thuộc tổng Canh Hoạch. Trung Cự bây giờ thuộc xã Thạch Kim.
Kỳ Xuyên, Lạc Thủy là hai làng thủy cư ở huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa, Hà Thanh. Kỳ Xuyên thuộc tổng Trung, Lạc Thủy thuộc tổng Thượng Nhất. Tên Kỳ Xuyên vạn thấy chép trong sách “Các trấn tổng, xã danh bị lãm” đầu thế kỷ XIX. Còn tên Lạc Thủy vạn thì mới thấy chép trong danh mục làng, xã đời Thành Thái, năm 1889. Từ hàng trăm năm nay, hai làng vạn sống và làm ăn trên hai con sông Hà Hoàng (từ Đò Điệm vào) và Rào Cấy (từ Đại Nài xuống) đến cửa Sót. Về sau, dân vạn tu đất ở một số làng ven sông lập miếu thờ thần, làm nghĩa địa và một số người dân dựng nhà, sống “thượng gia hạ thuyền”. Riêng bộ phận cư dân ở gần cửa Sót dựng miếu thờ tại làng Phú Nghĩa và ở Phú Nghĩa, Kim Đôi. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, dân hai làng vạn ở đây nhập với Phú Nghĩa, thành một đơn vị hành chính, gọi là Phú Lạc.
Năm 1946, xã Kim Đôi và các thôn Phú Lạc (tức Phú Nghĩa, Kỳ Xuyên, Lạc Thủy), Trung Cự, Trung Nghĩa hp nhất thành xã Nam Long. Năm 1951, xã Nam Long sáp nhập với xã Xuân Bình thành xã Nam Bình. Cuối năm 1954, Nam Bình chia làm hai xã Thạch Bằng, Thạch Kim. Phạm vi xã Thạch Kim là xã Nam Long cũ, nhưng cắt bớt các xóm nông nghiệp chuyển sang xã Thạch Bằng.
Xã Thạch Kim có diện tích tự nhiên 154ha. Dân số theo tài liệu của chính quyền Pháp năm 1942 thì 5 làng (Kim Đôi, Phú Nghĩa, Trung Cự, Kỳ Xuyên, Lạc Thủy) có tất cả 1.414 đinh và 4.435 nhân khẩu. Năm 1965, xã Thạch Kim có 1.018 hộ và 5.562 nhân khẩu; năm 1980 có 1.321 hộ và 6.929 nhân khẩu; năm 1990 có 1.738 hộ và 8.845 nhân khẩu; năm 2000 có 1.897 hộ và 9.800 nhân khẩu; năm 2024 có 2318 hộ và 11141 nhân khẩu.
Trong thời kỳ xây dựng hợp tác xã, xã Thạch Kim hình thành các hợp tác xã, các tổ sản xuất và sau này là thôn, xóm.
Năm 1991, xã thực hiện sáp nhập 13 xóm thành 6 xóm.
Đến năm 2024, Thạch Kim có diện tích 160 ha, dân số 11.000 người, 2.318 hộ, trong đó 43,1% đồng bào theo đạo; được chia thành 6 thôn (xóm).
3. Đặc điểm dân cư
Cư dân ở Thạch Kim hiện nay là người các nơi đến. Toàn xã có 26 dòng họ, chủ yếu từ các xã trong huyện Thạch Hà đến làm ăn. Theo gia phả các dòng họ cho thấy, họ đến rất sớm nhất ở đây là Nguyễn Đình (14 đời), sau đó là Đặng Đô, họ Nguyễn Phi (nguyên là họ Chung, gốc Hoa) cũng 12 đời, họ Từ Đức (11 đời) và Nguyễn Trọng, họ Nguyễn Minh (nguyên là người Bồ-lô ở trường Xuân Hồi, phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình ra, họ Nguyễn Văn từ Nghệ An vào (10 đời), Phạm Văn từ Cao Bằng đến (9 đời), Lê Văn từ Hà Nội vào (7 đời). Một số dòng họ ở huyện Can Lộc, Đức Thọ vào (khoảng 4 đến 6 đời). Năm 2016, nhà thờ Họ Từ Đức Công được công nhận di tích lịch sử Văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 315/QĐ-UBND.
Thạch Kim cũng có nhiều đồng bào theo đạo Thiên chúa. Từ nửa đầu thế kỷ XIX, khoảng 1840, một nhà nguyện được dựng lên ở đây. Hiện nay có hai họ Kim Đôi và Trung Cự, thuộc giáo xứ Cửa Sót, giáo phận Hà Tĩnh với 998 hộ dân, 4.800 nhân khẩu, chiếm 43,1% dân số trong xã. Cả hai họ giáo trong xã có 9 người được phong Linh mục.
4. Đặc điểm kinh tế
Thạch Kim thuộc vùng cửa biển, có sông chảy qua nên nhân dân sống chủ yếu bằng nghề ngư nghiệp: đánh cá biển, cá sông, chế biến hải sản, buôn bán, đóng thuyền, vận tải,... Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Kim Đôi là một trong ba làng có nghề biển phát triển nhất ở Hà Tĩnh, với hàng chục thuyền buồm loại 6 -7 tấn đánh cá khơi và loại dưới 5 tấn đánh cá lộng. Loại thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ năm bảy sải nước thì khá nhiều.
Cùng với nghề đánh cá là nghề chế biến hải sản. Ngày trước, có gia đình vừa là chủ thuyền, vừa là chủ cơ sở chế biến, thu mua phần lớn cá, khuyết để làm hàng. Theo số liệu của Tòa công sứ Hà Tĩnh thì năm 1929, hai làng Kim Đôi, Phú Nghĩa chế biến được khoảng 250 tấn nước mắm và muối mắm, trị giá 60.000 đồng (Đông Dương). Hàng năm, Hà Tĩnh xuất khẩu được 195 tấn mắm vầy và ruốc, ra các tỉnh Bắc Trung Kỳ và Bắc Kỳ, mà Kim Đôi cùng Cương Gián (Nghi Xuân), Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên) là ba nơi sản xuất chính.
Trong thời kỳ diễn ra cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1947-1954) và chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965 - 1973) nghề đánh bắt và chế biến hải sản bị giảm sút, có thời gian bị đình đốn hẳn. Trong giai đoạn hòa bình (1955 -1965), và nhất là từ sau 1975 đến nay, tuy còn nhiều khó khăn, nghề biển dần dần được khôi phục phát triển với phương tiện lớn hơn và phương thức đánh bắt hiện đại hơn.
Nghề đóng thuyền, sửa chữa thuyền du nhập từ làng Trung Kiên (nay là xã Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An). Do ông Sinh Phùng, ông Huấn Minh... là những người thợ đầu tiên vào hành nghề và truyền lại.
Phục vụ cho nghề sông, biển, còn có một số người làm nghề đan, vá lưới.
Nghề vận tải thủy xưa kia chủ yếu chỉ đi đường sông trong vùng Nghệ Tĩnh. Trong hai cuộc kháng chiến, ngành vận tải đường sông, đường biển của Thạch Kim đã có nhiều thành tích quan trọng.
Kim Đôi có chợ Trang, Phú Nghĩa có chợ Hôm, bán tôm cá, thực phẩm. Một bộ phận phụ nữ chuyên buôn bán thủy sản và các hàng gia dụng khác. Ngày trước ở đây cũng có một số nhà buôn lớn, chuyên chở nước mắm, ruốc ra bán ở Thanh Hóa, ở ngoài Bắc bằng đường sông, đường biển.
Kim Đôi thời xa xưa nằm trên trục đường bộ hạ đạo, về sau có đường Tỉnh lộ 3 thông với tỉnh lỵ Hà Tĩnh (15km) và đường liên hương số 5 ra Bến Thủy (43km). Tuy Kim Đôi nhiều nghề làm ăn nhưng người dân đời này qua đời khác vẫn vất vả, cực khổ. Riêng trận đói năm 1945, cùng với bệnh đậu mùa đã cướp đi ngót 700- 800 mạng người. Dân đen lại còn phải chịu những sự áp bức phi lý. Năm 1898, cứ một chiếc tàu Tây ghé vào bến, một tên lên bờ dọa người cướp của, bị một người làng Trung Cự đánh lại. Hai làng Kim Đôi, Xuân Mậu phải chịu phạt vạ mỗi làng 1000 quan tiền. Kim Đôi chia cho đầu người phải đóng góp, còn Xuân Mậu (tức Phú Nghĩa) thì dân phải bỏ làng đi hàng năm mới dám quay về.
 

Nguồn tin: Tác giả biên soạn - Nguyễn Thị Minh Giang thuộc Công ty cổ phần hợp tác xuất bản - Truyền thông Quốc gia

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây