Trang thông tin điện tử xã Thạch Kimhttps://thachkim.locha.hatinh.gov.vn/uploads/banner-xa-thach-kim.jpg
Thứ hai - 11/11/2024 21:07
TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ, VĂN HÓA XÃ THẠCH KIM
1. Truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng Kim Đôi, Phú Nghĩa từ lâu đã có chùa làng và quanh vùng cũng có nhiều chùa chiền, nhưng Phật giáo ở đây không được hâm mộ lắm. Ngoài đền chính Nam Sơn trên núi Nam Giới, ở Kim Đôi còn có miếu và tịnh thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh. Một số người thường cầu cúng và hàng năm dân chài làm lễ tế, xin bùa dấu dán trong nhà, trong thuyền cầu được bình yên. Kim Đôi cũng có văn chỉ của giới nho sĩ thờ Khổng thánh. Nhưng vị thần được toàn dân tôn kính nhất là thần Võ Mục, tức Chiêu Trưng vương Lê Khôi. Từ đời Lê, Kim Đôi cùng Mai Phụ, Vĩnh Tuy đã được triều đình giao cho thờ phụng ở đền Long Ngâm. Xã còn có đền thờ Chiêu Trưng vương làm Thành hoàng. Năm 2019, đền Đông Phương được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 2680/QĐ- UBND. Chùa, đền miếu, văn chỉ cùng xây dựng trong một khu vực, nay chỉ còn dấu tích là cây đa và giếng Tiên. Ngoài ra, cũng như nhiều làng biển khác, Kim Đôi, Phú Nghĩa còn có miếu thờ Nhân ngư (cá voi) ở núi Nam Giới và 5 ngôi miếu thờ Ngũ phường... Như vậy, trong làng biển nhỏ hẹp này, hàng trăm năm nay đã hội tụ đủ các Nhiên thần, Thiên thần, Nhân thần, cùng tam giáo Phật, Lão, Nho và từ cuối thế kỷ XIX lại có thêm Thiên chúa giáo. Hơn nữa, tuyệt đại đa số ngư dân ngày trước đều nghèo khổ và mù chữ. Họ sinh sống và làm ăn trên mặt nước “trong nôốc thì ngài, ngoài nôốc thì ma”; họ tìm phải chịu đựng nạn giặc Tàu ô và thiên tai khủng khiếp, như cơn bão tháng Tám năm Nhâm Dần (1842), năm Bính Ngọ (1846) đời Thiệu Trị, hay cơn sóng thần ngày 21 tháng 9 năm Đinh Dậu (1897) đời Thành Thái. Trước trời biển, con người trở nên nhỏ bé, bất lực, chỉ còn biết tin cậy vào sự phù trợ của Thánh Thần, là chuyện dễ hiểu. Đặc điểm về tự nhiên, xã hội, văn hóa ở Thạch Kim đã có tác động rất lớn đến quá trình phát triển của xã sau này. 2. Truyền thống hiếu học, khoa bảng Ngư dân từ bao đời, hầu hết đều mù chữ, kể cả những người chức việc dưới vạn. Từ lâu, trong xã đã có trường Hán học và về sau, có lớp dạy quốc ngữ, rồi có trường sơ học, nhưng con em của họ cũng hiếm người được học hành. Ở Kim Đôi, Phú Nghĩa ngày trước chỉ có bộ phận nhỏ cư dân “lớp trên” - những người khá giả (chủ thuyền - chủ buôn...) hoặc làm nghề tự do (thầy giáo, thầy thuốc...) thường là con cháu các danh gia là được học, nhiều người học giỏi, có người trở thành nhà khoa bảng. “Văn phát tích từ đời Lê Hiển, Đặng tiên sinh với Nguyễn tiên sinh Ầm ầm sóng dậy đất bình, Hai người cùng chiếm khoa danh một ngày... ” (Phong thổ Kim Đôi) Đặng tiên sinh tức Đặng Thiềm tên tự là Phan Huống, dòng dõi Nhị giáp Tiến sĩ Đặng Đôn Phục, Nguyễn tiên sinh thì chưa rõ tên. Hai ông cùng đỗ Hương Cống. Họ Đặng còn có Đặng Thái, đỗ Tú tài... về sau lại có đầu xứ Đặng Xuân Huy. Họ Nguyễn (nguyên là họ Chung) có nhà nho Nguyễn Phi Tạo và Nguyễn Phi Lượng tức Tri Lương là một nghệ nhân có tiếng ở Thạch Hà. Nhiều họ khác, tuy không có khoa cử, nhưng không ít người học thức. Họ Lê có Lê Trọng Thuyên, Lê Văn Bá là thầy thuốc giỏi. Một người thuộc chi họ Lê khác là Lê Ngọc Văn cũng là thầy thuốc. Dương Đình Tuần, quê Nam Trị xuống dạy học rồi ở lại Kim Đôi, hay chữ và viết chữ tốt, rất được kính nể. Kim Đôi, Phú Nghĩa cũng là đất văn chương. Nhiều nho sĩ như Đầu xứ Kiệm (Đặng Xuân Huy), Đặng Khắc Thành, Nguyễn Phi Tạo, Dương Đình Tuần, Lê Ngọc Văn, Phan Văn Thắng, Nguyễn Văn Ngoạn, nhất là Lê Văn Bá đã để lại nhiều bài thơ, bài ca, câu đối... được truyền tụng đến ngày nay. Lớp tân học ở Kim Đôi cũng có nhiều trí thức có tiếng tăm: Đặng Đôn Giá, Đặng Tấn Sỹ, Nguyễn Chung Anh. Kim Đôi lại ở giữa một vùng non nước hữu tình, phía trong là rú Bồng (Bằng Sơn), phía ngoài, có dãy Nam Giới, từ xưa được coi là danh sơn; có mộ và đền Võ Mục. Trên ngọn Long Ngâm, có miếu Tam tòa Thánh Mẫu trên ngọn Nam Sơn và miếu Thần Cá (Nhân Ngư) bên cồn Hỏa Hiệu, lại có khe Khâu Hao, một trong ba nơi có nước ngọt tốt nhất xứ Nghệ. Vùng Trang Sót - Kim Đôi đã lưu lại được nhiều kỷ niệm của các văn nhân, nghệ sỹ lớn của đất nước, mà tác phẩm sớm nhất ta được biết là bài thơ “Nam Giới hải môn” của vua Lê Thánh Tông làm năm 1470-1471, với câu thơ (dịch): “Núi thiêng còn chuyện Quỳnh Viên thuở nào”. 3. Truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm Vùng đất Trang Sót - Kim Đôi, từ khi chưa có làng, có xóm, đã chứng kiến nhiều sự kiện lớn trong lịch sử dân tộc. Năm Ất Sửu (605) tướng nhà Tùy là Lưu Phương sau khi đánh bại quân của vua Hậu Lý Nam đế, đã đem thủy quân từ (cửa biển) quận Ty Ảnh vào đánh cướp đất Lâm Ấp (Chăm-pa). Cửa biển Ty Ảnh, theo sách Đại Việt sử ký toàn thư là Cửa Sót. Người Chăm-pa cũng thường ra cướp phá vùng ven biên. Có khi, như năm 803, Chăm-pa tràn ra đuổi quân nhà Đường, chiếm cả vùng Thanh, Nghệ, Tĩnh bây giờ, nhưng chưa bao lâu thì bị tướng nhà Đường - Trương Chu đánh đuổi. Một thế kỷ sau, khoảng 907-910, người Chăm-pa chiếm từ Đèo Ngang ra vùng Thạch Hà, đặt quan cai trị, lấy sông Cửa Sót và sông Rào Cấy (Nàn Mọ) làm địa giới tự nhiên. Từ đó dãy rú Bể (Quỳnh Sơn) có tên là Nam Giới (Biên giới phía nam) và ngọn núi ở xã Thạch Đỉnh ngày nay gọi là hòn Mốc (Mộc Sơn hay Mạt Sơn, cũng gọi là Hữu Nam Giới). Năm Nhâm Ngọ (982) vua Lê Đại Hành vào đánh người Chăm-pa, giải phóng vùng này và tháng Tám năm Nhâm Thìn (992), nhà vua sai Phụ quốc Ngô Tử An đem 3 vạn người đi mở đường bộ từ cửa biển Nam Giới đến châu Địa Lý. Đến năm Kỷ Dậu (1009), vua Lê Long Đỉnh đi đánh châu Hoàn Đường và châu Thạch Hà, lại sai Hồ Thủ Ích đem 5000 quân sửa chữa đường từ châu giáp sông đến cửa biển Nam Giới. Có lẽ chính đây là con đường “hạ đạo” mà sách Thiên Lộc huyện chí của Lê Văn Diễn nói đến ở trên. Dưới thời Lý - Trần, các đoàn thuyền chiến, thuyền buôn thường ra vào Cửa Sót. Theo các nhà khảo cổ học thì có thể đời Trần, ở phía bắc Cửa Sót có một thương cảng quan trọng mà dấu vết còn để lại quanh vùng chợ huyện bây giờ. Có thể từ đời Trần, ở Cửa Sót đã đặt đồn binh canh giữ. Đời Lê, năm Quang Thuận thứ 7 (1466), đặt Tuần ty sứ ở Cửa Sót.Nhà Nguyễn đặt Trấn thủ Cửa Sót, đều đóng ở xã Kim Đôi. Vào ngày 11/5 năm Đinh Hợi (1407) trên đường truy đuổi quân nhà Hồ, bọn tướng Minh Trương Phụ, Mộc Thạnh đi đường biển đã ghé vào hạ trại ở huyện Bàn Thạch và đón bắt được Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng và tướng Hô Đỗ ở cửa Nam Giới (Việt kiệu thư). Đời Lê, vùng này cũng có nhiều sự kiện đáng ghi nhớ. Vào năm Bính Dần (1446), tướng Lê Khôi, giữ chức Nhập nội thiếu úy coi trấn Nghệ An, trên đường đi đánh Chiêm Thành thắng lợi trở về đã bị bệnh và mất, được đưa lên táng ở ngọn Long Ngâm và được dựng đền thờ ở đây (Đinh Mão 1447). Năm 1463, vua Thánh Tôn sai Bảng nhãn Nguyễn Như Đỗ soạn bia, ban tấm biển đề “Nam thiên tuấn vọng” và làm bài thơ nôm ca ngợi tướng quân Lê Khôi “Sự nghiệp công danh bốn bể đầy”. Năm 1470, trên đường Tây chinh, nhà vua cũng ghé vào thăm đền... Năm 1655, quân chúa Nguyễn Phúc Tần ra đánh quân Chúa Trịnh. “Thuyền “giặc” vào cửa biển Nam Giới (tướng Trịnh), Nguyễn Hữu Sắc nghe tin bỏ chạy, Lê Nhân Hậu vừa đánh vừa lui” (ĐVSKTT). Sau đó, những biến cố lớn của đất nước cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX không có sự việc gì trực tiếp tác động đến vùng này cho đến khi thực dân Pháp xâm lược đất nước ta. Trong các phong trào Cần Vương, Duy Tân - Đông Du, nhân dân Kim Đôi, Phú Nghĩa, lương cũng như giáo, đã có những đóng góp xứng đáng, mặc dầu ở vào một hoàn cảnh hết sức khó khăn. Một người họ Nguyễn Văn, con thứ hai của Nguyễn Công Trứ và bà vợ hầu Phan Thị Bảo ở Như Sơn sang ở Kim Đôi, sau khi người anh khác mẹ Nguyễn Công Trường tham gia phong trào Cần Vương ở Can Lộc hy sinh, cũng đi theo nghĩa quân Phan Đình Phùng, lên hoạt động ở vùng Đô Lương rồi mất tích. Cậu chiêu Mai Thế Quán, một nhà văn thân ở Phù Lưu (Can Lộc) cũng liên lạc vào đây, được một số người ở Kim Đôi, Phú Nghĩa hưởng ứng, ủng hộ. Khi Mai hy sinh trong trận đánh ở rú Bang, thì ở đây có người trong Thiên chúa giáo như Phạm Thường (tức Huyến Thường)vẫn bí mật lạc quyên, giúp đỡ nghĩa quân của Nguyễn Chanh, Nguyễn Trạch. Ở thời kỳ sau, trong phong trào Duy Tân, Tân Việt lại cũng có một số người hưởng ứng. Theo một tài liệu lịch sử thì khi thành lập “Duy Tân giáo đồ hội” (4/1904), Phan Bội Châu đã có liên lạc với một số linh mục ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, trong đó có linh mục Minh ở Kim Đôi1. Một người Kim Đôi, Nguyễn Văn Thế tham gia phong trào chống thuế do Nguyễn Hàng Chi cầm đầu (1908) bị bắt và tự sát. Tiếp đó, ở Kim Đôi lại có Đặng Đôn Hộ tham gia cuộc để tang cụ Phan Chu Trinh do Đảng Tân Việt tổ chức... Tuy không được sôi nổi như nhiều làng xã khác, nhưng ở Kim Đôi - Phú Nghĩa thời nào cũng có người tham gia hoặc hưởng ứng các phong trào yêu nước chống Pháp. Đó là tiền đề để Kim Đôi có nhiều người trở thành đảng viên cộng sản, và là một nơi phong trào cách mạng khá mạnh mẽ trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh ở huyện Thạch Hà. Những truyền thống quý báu mà các thế hệ nhân dân vun đắp từ đời này qua đời khác là điểm tựa vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Thạch Kim hôm nay và mai sau.